Khu rừng đá sắc như dao cạo

Ngày đăng: 10:05 AM 05/09/2019 - Lượt xem: 4023

MADAGASCAR Nhiều hệ sinh thái độc nhất vô nhị hình thành bên dưới các vách đá hiểm trở, một số nơi chưa từng có dấu chân người.

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Rừng đá Tsingy hay khu bảo tồn tự nhiên Tsingy de Bemaraha được tạo nên bởi nhiều tháp đá vôi sắc nhọn, trong đó có những tháp cao tới 70 m. Khoảng 200 triệu năm trước, nơi đây là những khối đá vôi chìm dưới biển. Biến động địa chất đã đẩy chúng lên khỏi mặt nước, kèm theo sự bào mòn của những cơn mưa nhiệt đới tạo nên tháp đá sắc nhọn ngày nay. Tên gọi của khu rừng có nghĩa là “nơi con người không thể đi bằng chân trần”. 

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Nhiều vị trí của Tsingy vẫn chưa có dấu chân người vì địa hình quá hiểm trở. Khách du lịch muốn khám phá sâu hơn trong rừng đá cần có kỹ năng và các dụng cụ leo núi chuyên nghiệp để di chuyển. 

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo

 

Benson, người leo núi đang di chuyển trên một bức tường đá dốc đứng. Nhiếp ảnh gia Stephen Alvarez, người thực hiện bộ ảnh chia sẻ, khu rừng giống một thành phố với những tòa nhà cao tầng san sát nhau. “Thay vì đi trên con phố, chúng tôi phải leo qua những tòa nhà cao tầng để tham quan”.

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Một vách đá ở Tsingy. Toàn bộ khu rừng đá có diện tích khoảng 600 km2. Vào năm 1990, nơi này được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Steven Goodman, nhà sinh vật học Mỹ đã sống và làm việc ở đây hơn 20 năm, mô tả: “Khu rừng là nơi chứa đựng những kho báu sinh học phi thường trên trái đất. Bạn chỉ cần đi bộ xung quanh cũng có thể bắt gặp một sinh vật chưa từng được biết đến”. 

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Cây Pachypodium là loài có thể chịu hạn, phát triển mạnh tại các đỉnh cao của rừng đá. 

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Vượn cáo là sinh vật nổi tiếng nhất của hòn đảo, chỉ phân bố ở phía tây Madagascar. Chúng sử dụng tháp đá như một loại đường cao tốc khi muốn di chuyển giữa các cây ăn quả. Những ngọn tháp cũng giúp loài động vật này trốn khỏi kẻ thù.

Hiện con người mới biết được rất ít hành vi của loài vượn này. Madagascar có khoảng 20 loài vượn cáo đang sinh sống. Sự tiến hóa đã trang bị cho chúng những miếng đệm dày trên tay và chân để thích nghi với các đỉnh núi sắc nhọn. 

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Hẻm núi và hang động bên dưới. Sự sống ở Tsingy được phân bố theo độ cao. Phần đỉnh tháp khô cằn và trơ trụi, trong khi các hẻm núi bên dưới ẩm thấp, ít ánh sáng. Đây là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật. Những tường đá bao quanh được cho là đã che chở cho hệ sinh thái bên trong, ngay cả khi môi trường sống ở những nơi khác trên đảo tan rã. Các nhà khoa học gọi đây là “nơi ẩn náu hoàn hảo”.

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Các hẻm núi đa phần đều nhỏ hẹp, ẩm thấp quanh năm, chỉ vừa cho một người. Đây là môi trường sống của các loài không xương sống và động vật lưỡng cư. 

 

Khu rừng đá sắc như dao cạo
 

Hầu hết người dân địa phương vào rừng đá để tìm kiếm mật ong.

Tách ra khỏi đại lục châu Phi từ hơn 160 triệu năm trước, Madagascar được biết đến như hòn đảo lâu đời nhất thế giới và lớn thứ 4 sau Greenland, Papua New Guinea và Borneo.
Mặc dù nằm trong top những quốc gia nghèo nhất thế giới, điểm đến này hấp dẫn nhờ đời sống hoang dã độc đáo và cảnh quan đa dạng, với 80% quần thể động thực vật là độc nhất vô nhị. Tính đa dạng sinh học và số lượng loài đặc hữu (loài sinh vật chỉ tồn tại, phát triển trong phạm vi phân bố hẹp) lớn khiến nơi đây được mệnh danh là lục địa thứ 8 của thế giới.

Facebook