Ngày đăng: 03:22 PM 31/07/2019 - Lượt xem: 1407
Công nghệ sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc đua khốc liệt của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tới năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) sẽ lên tới 13 tỷ USD. Với tốc độ này, báo cáo của Google-Temasek dự đoán Việt Nam sẽ trở thành thị trường TMĐT lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á vào năm 2025. Tuy nhiên, sự hấp dẫn quá lớn của thị trường TMĐT đẩy cạnh tranh trở nên khốc liệt. Báo cáo của VNDirect ước tính một doanh nghiệp sẽ chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.
Sự phổ biến của Internet, điện thoại thông minh cùng thế hệ người tiêu dùng am hiểu công nghệ, với thói quen mua sắm trên mạng hơn là đến các cửa hàng vật lý sẽ vừa là động lực, vừa là thách thức cho TMĐT Việt. Do đó, nếu như trước đây, các sàn TMĐT tập trung dồn lực cho việc “đốt tiền” giành thị phần thông qua khuyến mãi, quảng cáo thương hiệu… thì những năm tới công nghệ trở thành yếu tố dẫn dắt cuộc đua này.
Theo đó, các chuyên gia công nghệ dự báo 5 xu hướng đang và sẽ dẫn dắt TMĐT Việt Nam trong thời gian tới gồm: Chatbot AI (Trợ lý ảo), Apps (Ứng dụng điện thoại), Multi-Channel (Đa kênh), Customer Experience (Trải nghiệm người dùng) và D2C (Direct-to-Customer - bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng).
Ông Trần Hải Linh – CEO Sendo cho rằng, trước những xu hướng đó, các công ty nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn với các đối thủ trong khu vực: "Để cạnh tranh, các sàn TMĐT phải trở nên thông minh hơn, làm sao đoán biết chính xác nhu cầu người sử dụng và tìm giải pháp đáp ứng nhu cầu ấy một cách tốt nhất".
Các doanh nghiệp TMĐT sở hữu những hoạt động giao dịch trên hệ thống là nguồn dữ liệu lớn cực kỳ vô giá để không ngừng nâng cao trải nghiệm của người dùng và khách hàng. Kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong các quy trình xử lý thông tin, tương tác sẽ giúp tự động hóa được những công việc mang tính lặp đi lặp lại, tối ưu quy trình và nâng cao hiệu suất công việc.
Theo đó, các doanh nghiệp trong nước như Sendo phải tận dụng công nghệ để rút ngắn khoảng cách với các đối thủ đang dẫn đầu. Với khoản đầu tư mới lên đến 51 triệu USD từ SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures hồi giữa tháng 8/2019, Sendo có thực lực để tạo ra những bứt phá từ lợi thế công nghệ. Chẳng hạn, theo ông Linh, Sendo triển khai chatbot với hy vọng giảm số lượng truy vấn được xử lý thủ công ít nhất 50%. Mục tiêu là đến cuối 2019 là 80% của các hoạt động chăm sóc khách hàng cũng như phòng chống gian lận, phóng chống hàng giả sẽ được xử lý bằng thuật toán thông minh hơn. Ngoài ra, Sendo sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào AI để tối ưu trải nghiệm mua sắm và tự động hóa các hoạt động vận hành. Sendo cũng sở hữu lực lượng gần 1.000 người, với hơn ½ là các lập trình viên có thể xây dựng hệ thống quản lý hàng trăm triệu USD giao dịch.
Chiến lược này đang mang lại lợi thế cho các sàn TMĐT nội địa như Sendo. Theo 'Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam' do iPrice Insights thực hiện trong quý II/2019, số lượt truy cập web của sàn này đã tăng đến hơn 10%, từ 25,3 triệu lên 28 triệu mỗi tháng, giúp Sendo lọt vào top 4 tăng trưởng về lượng truy cập.
Cách mạng 4.0 sẽ khởi nguồn cho các ứng dụng TMĐT mới. Sendo với hệ sinh thái toàn diện (website, mạng xã hội, apps, ví điện tử) nắm bắt xu hướng này, giúp người dùng tiếp cận và ra quyết định mua hàng dễ dàng và tiện lợi hơn, qua đó có được lợi thế tạo đột phá.
“Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, công ty đang đi đúng hướng để vượt mốc 1 tỉ USD tổng giá trị giao dịch trước năm 2020”, ông Linh cho biết.
Theo Việt Nam Net